Hôn nhân, gia đình Người_Ba_Na

Người Ba Na cho phép tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, việc cưới xin đều theo nếp cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân phiên mỗi bên một thời gian, theo thỏa thuận giữa hai gia đình hai bên, sau khi sinh con đầu lòng mới làm nhà riêng. Trẻ em luôn được yêu quý. Dân làng không đặt trùng tên nhau. Trong trường hợp những người trùng tên gặp nhau, họ làm lễ kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ anh-em, cha-con, mẹ-con.

Các con được thừa kế gia tài như nhau. Trong gia đình, mọi người sống hòa thuận bình đẳng. Người Ba Na thờ cúng nhiều thần linh.[8]

Hôn nhân

Trước đây, trai gái Ba Na khi đến tuổi trưởng thành (20 tuổi đối với nam; 18 tuổi đối với nữ), được tự do yêu thương, tìm hiểu lẫn nhau, nhưng quyền quyết định đi đến hôn nhân không phải không có ảnh hưởng của cha mẹ. Trong thực tế, nhiều khi cha mẹ can thiệp rất nhiều vào chuyện hôn nhân của con cái. Thậm chí, trong một số trưởng hợp, quyết định gả cưới của cha mẹ hoàn toàn đi ngược lại mong muốn của các con. Chính vì vậy, trong ngôn ngữ của người dân ở đây tồn tại hai thuật ngữ hôn nhân. Trong tường hợp trai gái tự do yêu đương và tìm người bạn đời tiến tới hôn nhân, người dân gọi là chărơihkơ ding (hôn nhân tự chọn); trường hợp cha mẹ quyết định gả bán con theo ý kiến riềng của mình, người dân gọi là mẽ bă pơ giao ăn (cha mẹ gả bán).[8]

Nhà sàn của người Ba Na trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)

Trong thời điểm hiện nay, trai gái yêu thương và tự nguyện đến với hôn nhân phổ biến hơn nhiều so với quyết định gả bán của cha mẹ. Tuổi kết hôn cũng đang co xu hướng tăng lên, thường con trai trên 25 tuổi mới lấy vợ, con gái khoảng 20 tuổi mới lấy chồng. Việc gả bán con cái theo ý riêng của cha mẹ thường chỉ xảy ra giữa gia đình giàu có với gia đình nghèo vì lý do kinh tế, hay sắc đẹp. Các gia đình tương đương về điều kiện kinh tế, về địa vị xã hội thì con cái của họ phần lớn tự do tìm hiểu để đi đến hôn nhân. Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời, lựa chọn thông gia dựa trên việc so sánh giàu nghèo đã ít còn được đặt ra như trong quá khứ. Sự chênh lệch tuổi tác giữa nam và nữ (thậm chí chênh lệch nhiều) cũng không phải là điều quan trọng. Vấn đề mang tính quyết định để đi đến hôn nhân, trong thời điểm hiện tại là trai gái phải thương yêu nhau. Tiêu chuẩn hàng đầu để các chàng trai, cô gái nơi đây chọn bạn đời chính là đạo đức, sức khoẻ và tính cần cù, siêng năng và thạo việc.

Đối với người Ba Na, hôn nhân một vợ một chồng từ lâu đã mang tính phổ biến và bền vững. Trong làng, vào thời điểm hiện tại, tất cả đều là các gia đình một vợ một chồng sinh sống cùng con cái. Dù do cha mẹ gả bán hay do họ tự tìm đến với nhau do tiếng gọi của tình yếu thì hầu như tất cả các cặp vợ chồng đều sống với nhau hạnh phúc đến đầu bạc, răng long. Rất ít trường hợp li dị. Các lý do dẫn đến li dị giữa các cặp vợ chồng thường là do người vợ vô sinh, đàn ông ngoại tình hay có những bất hòa không giải quyết được dẫn đến chửi mắng, đánh đập nhau. Hiện nay, giải quyết vấn đề li dị của các cặp vợ chồng không chỉ dừng lại ở quyết định của Hội đồng già làng như trước kia, mà phải được đưa ra xử lý theo pháp luật hiện hành của Nhà nước. Tuy nhiên, khi vừa xảy ra những lục đục giữa các cặp vợ chồng trong làng, Hội đồng già làng, thông qua Tổ hòa giải đã thể hiện vai trò của mình. Nếu việc hoà giải không đạt được kết quả như ý, hai vợ chồng vẫn quyết ly dị thì họ buộc phải đưa vụ việc ra giải quyết trước luật pháp.

Là một dân tộc theo nguyên tắc ngoại hôn dòng họ nên phong tục của người Ba Na khuyến khích những đôi trai gái khác dòng họ kết hôn với nhau. Nếu xác định được rõ ràng hai người trong cùng một krung ktum (dòng họ) thì chuyện cưới xin khó xảy ra. Tuy nhiên, do có sự phân biệt giữa họ gần và họ xa nên nguyên tắc hôn nhân ngoài dòng họ ở đây được thực thi với hai cấp độ khác nhau:

Thứ nhất, toàn bộ các thành viên nam nữ thuộc họ gần (krung ktum gel), tức là con cháu trong vòng ba đời của một ông bà tổ, bao gồm cả bên cha và bên mẹ, như: con cô, con cậu, con chú con bác, con dì con già; cháu cô cháu cậu, cháu chú cháu bác, cháu dì cháu già...[còn gọi là gia đình] tuyệt đối không có quan hệ tính giao và hôn nhân. Với người Gia-rai, một dân tộc láng giềng, cư trú tập trung tại tỉnh Gia Lai, không có sự ngăn cấm kết hôn một cách nghiêm ngặt giữa hai người cùng một dòng họ thuộc đời thứ ba, nhất là con cô con cậu. Người Ba Na làng Kon Rờ Bàng ở Kon Tum thì khác, nếu ai vi phạm quy định đó tức đã mắc tội loạn luân (hagăm) và bị làng xử phạt rất nặng theo luật tục. Họ cho rằng người cùng một dòng họ lấy nhau là trái với đạo đức, khiến thần linh nổi giận gây ra các tai họa để trừng phạt con người như cháy làng, dịch bệnh, mất mùa... Dòng họ nào để xảy ra chuyện đó sẽ phải chuẩn bị đủ ba con trâu, ba con , ba con và 3 ché rượu để cúng thần nhà rông, thần nước để giải hạn cho dân làng và chính hai gia đình đó. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng là chủ làng đọc lời cúng mời giàng về ăn uống và dân làng buộc đôi trai gái bị phạt lấy một ít tiết của con vật hiến sinh hòa với rượu, đổ vào vỏ bầu mang đến từng nhà trong làng, dùng cành cây tre nhúng vào quả bầu đựng nước rồi quết lên chân cầu thang với ngụ ý xua đuổi, tẩy uế mọi rủi ro tai họa, mong giàng đừng bắt tội dân làng...[8]

Thứ hai, các thành viên nam, nữ thuộc họ xa (krung ktum gel), tức là con cháu của một ông bà tổ, từ đời thứ bốn trở lên, tính theo đằng cha, cũng có thể lấy được nhau, nhưng phải làm một lễ cúng nhỏ tạ lỗi với tổ tiên. Khi đó họ sẽ không mắc vào tội loạn luân và không vi phạm luật tục.[đời thứ 5 mới lấy được][8]

Những trường hợp nam, nữ quan hệ tình cảm sâu nặng với nhau mà không đi đến hôn nhân, không làm thủ tục cưới hỏi thì làng thì bắt vạ một con dê, một con bò, hoặc một con gà. Trước thập niên 1960, trai gái chưa cưới xin có quan hệ với nhau lỡ có con, phải tiến hành lễ cúng thần trước khi trỉa lúa, vào khoảng đầu tháng 4, với lễ vật là một con dê và một con lợn. Người dân quan niệm các trường hợp vi phạm này đã làm ảnh hưởng đến thần đất, thần lúa nên buộc phải tiến hành lễ cúng phạt trước khi trỉa lúa nếu không dân làng sẽ mất mùa, đói kém. Vào ngày tổ chức nghi lễ, những con lợn, dê lễ vật được giết thịt lấy máu trộn với rượu. Cũng tương tự như những người mắc tội loạn luân, đôi trai gái phạm tội phải lần lượt mang thứ máu chộn rượu đó bôi vào chân từng chiếc cầu thang lên nhà trong làng, vừa bôi vừa xin lỗi mọi người xin đừng nhớ, xin bỏ qua chuyện cũ... Trong trường hợp người con gái có chửa mà không chịu khai ra bố của đứa trẻ thi cô ta sẽ phải chịu hình phạt một mình, từ trách nhiệm chuẩn bị lễ vật tới việc thực hiện các thủ tục trong lễ cúng. Trường hợp hai bên cùng nhau nhận lỗi thì chàng trai phải chịu trách nhiệm cao hơn. Không chỉ chuẩn bị lễ vật nộp phạt và thực hiện nghi lễ, người con trai còn phải cưới cô gái làm vợ và chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ nên người. Nếu đã bị phát hiện và thừa nhận là cha của đứa trẻ mà không cưới cô gái và không chịu chăm sóc đứa trẻ, ngoài việc nộp phạt cho làng, chàng trai còn phải đền cho cô gái một con . Trường hợp người con gái có quan hệ với nhiều người con trai, khi có thai, chàng trai có quan hệ với cô sau cùng phải đền nhiều hơn hoặc có thể chia thành các phần trách nhiệm đều nhau.[8]

Theo phong tục truyền thống của người Ba Na làng Kon Rờ Bàng, những trường hợp chồng hay vợ chết sớm chưa được làm lễ bỏ mả, người goá có thể tái giá, nhưng trước đó phải tiến hành một lễ cúng với lễ vật gồm một ghè rượu, một con gà. Sau khi tiến hành nghi lễ, việc tái giá của người goá được dân làng đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, nghi lễ này cũng có vai trò tương tự lễ bỏ mả. Tuy nhiên, đó là lễ bỏ mả sớm. Thời gian sớm nhất có thể thực hiện nghi lễ này là 3 năm sau khi người chồng hoặc người vợ mất đi. Trong trường hợp người goá có quan hệ trai, gái trước thời điểm này sẽ bị làng phạt một bò làm lễ cúng, vì tội vi phạm quy định hôn nhân. Sau khi người mẹ chết, nếu bố lấy vợ mới, con cái thường không ở với bố và mẹ kế mà về sống với ông bà nội. Chỉ khi ông bà nội cũng đã mất, không còn nơi nương tựa, con của người vợ trước mới ở chung với người vợ sau của bố. Trong trường hợp người đàn ông đang sống cùng vợ con, nhưng lại có quan hệ tình cảm sâu nặng với người phụ nữ khác, luật tục bắt buộc ông ta phải làm thủ tục li dị, bỏ người vợ trước mới có quyền cưới người vợ sau.Về trai gái khi quen nhau nếu người con gái có bầu mà người trai không nhận thì người trai sẽ bị làng phạt vạ theo tục lệ mỗi làng để cúng ma làng như mỗ trâu mỗ lợn và vài ghè rượu mời chức sắc trong làng đến uống , nếu không sẽ bị đuổi khỏi làng...[8]